• This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
ISFJ – The Nurturer – Người Chăm Nom

ISFJ – The Nurturer – Người Chăm Nom

Bạn đánh giá: 5 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lực
 

ISFJ: Hướng nội – Giác quan – Tình cảm – Nguyên tắc

Những người thuộc nhóm ISFJ có lối sống chủ đạo là giác quan hướng nội, họ cảm nhận mọi thứ thông qua năm giác quan của mình một cách rõ ràng cụ thể.

Ngoài ra, ISFJ còn có một lối sống thứ hai là cảm xúc hướng ngoại, họ giải quyết vấn đề dựa trên những cảm xúc mà họ cảm nhận về chúng, hoặc chúng hợp với những nguyên tắc sống của họ như thế nào.

Mô Tả Chung:

Đặc trưng của các ISFJ là họ có nhu cầu được giúp đỡ người khác, nhu cầu “được cảm thấy mình cần thiết”. Trong một vài trường hợp cá biệt, nhu cầu này mạnh mẽ đến nỗi các mối quan hệ cho và nhận thông thường không làm họ thỏa mãn; tuy nhiên phần lớn ISFJ cảm thấy hài lòng với các mối quan hệ thông thường trong xã hội. (Một trong số nhiều nguyên nhân là ISFJ – giống như các nhóm SJ khác – cảm thấy bị ràng buộc bởi các quy tắc truyền thống trong xã hội, cách thức giúp đỡ của họ thường loại trừ tất cả các yếu tố đi ngược lại các giá trị đạo đức, hoặc gây tranh cãi về mặt chính trị)

ISFJ thường không được đánh giá đúng mức trong công việc, trong gia đình, và trong vui chơi. Mặc dù họ chứng tỏ được rằng họ có thể tin tưởng được về lòng trung thành, tính hào phóng, chất lượng công việc cao … nhưng những người xung quanh lại thường nhìn họ với vẻ ban ơn, thậm chí lợi dụng họ. Cần phải nói thêm là bản thân ISFJ còn làm cho vấn đề xấu thêm, họ rất kém trong việc giao nhiệm vụ cho người khác (“Muốn như thế nào thì hãy tự làm lấy đi”).

Và mặc dù họ cảm thấy bị tổn thương vì bị đối xử không công bằng, họ ít khi lên tiếng về những thành tích của mình. Cho dù cảm thấy xứng đáng được khen ngợi vì những gì làm được, ISFJ cũng cho rằng muốn được khen thưởng vì hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình là một điều gì đó sai trái (bởi vì hoàn thành tốt nhiệm vụ bản thân nó cũng là một phần thưởng). Thêm vào đó là ảnh hưởng của yếu tố hướng nội – không muốn tạo sự chú ý đến bản thân. Vì những nguyên nhân như vậy, ISFJ thường bị làm việc quá sức và có thể bị một số rối loạn tâm lý.

Trong công việc, ISFJ là những người làm việc có phương pháp và chính xác, có trí nhớ tốt, và có những khả năng phân tích đặc biệt. Họ cũng làm việc rất tốt trong các nhóm nhỏ hoặc tay đôi vì họ là những người kiên nhẫn và dễ đồng cảm. Là nhân viên giỏi, đáng tin cậy, dễ chịu nhưng ISFJ lại trở nên hay lo lắng và khó chịu trong vai trò giám sát. Mặc dù rất trung thành, nhưng sự trung thành của ISFJ lại thường hướng về một cá nhân chứ không hướng tới tổ chức. Nếu một người mà họ ràng buộc từ bỏ tổ chức, ISFJ sẽ đi cùng người đó nếu có cơ hội. Các nghề nghiệp ưa thích của ISFJ là: giáo viên, công tác xã hội, tôn giáo, y tá, bác sĩ (đa khoa), thư ký và một số ít công việc quản lý.

Mặc dù đạo đức nghề nghiệp rất cao, nhưng mối ưu tiên hàng đầu của ISFJ là gia đình. Gia đình chính là trung tâm của cuộc đời họ. Họ rất nồng nhiệt và hay tâm sự với những thành viên trong gia đình, và thường có ý muốn chiếm hữu riêng những người mà họ yêu quý. Nếu những người này thuộc nhóm hướng ngoại (E) hoặc hướng nội kiểu IT, ISFJ nên học cách hiểu đúng thái độ của họ và không nên diễn giải các thái độ này như là sự từ chối.

Thuộc nhóm SJ, họ rất quan trọng việc cư xử theo quy tắc, khi một người thân nhất của họ xa rời các quy tắc này sẽ làm cho ISFJ cảm thấy rất bối rối. Mối quan hệ càng thân thiết, hành động càng công khai thì mức độ bối rối càng cao. Theo thời gian, ISFJ sẽ trở nên chin chắn hơn và học được cách xem các hành động đó như là một sự lập dị vô hại.

Có lẽ khỏi cần phải nói thêm là ISFJ thường tốn rất nhiều thời gian vào việc chuẩn bị thức ăn, mua quà tặng … cho những người mà họ yêu quý – tuy nhiên vì tính chất J nên họ thường tập trung vào những gì mà họ cho rằng người nhận nên có chứ không tập trung vào những gì người nhận muốn có.

Cũng giống như phần lớn người hướng nội, ISFJ có ít bạn thân. Họ rất trung thành với bạn bè và sẵn sàng hỗ trợ cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Tuy nhiên, họ lại sợ va chạm hơn. Vì vậy, nếu bạn chuẩn bị đánh nhau, đừng hi vọng họ sẽ nhảy vào với bạn. Tuy nhiên, bạn có thể tin tưởng rằng họ sẽ chạy đến nhà chức trách gần nhất để tìm sự giúp đỡ.


ISFJ sống trong một thế giới ấm áp và đầy tình cảm. Họ thật sự rất ấm áp và có tấm lòng nhân hậu, và luôn tin vào những điều tốt đẹp nhất của người khác. Họ trân trọng sự hòa hợp và hợp tác, và thường rất nhạy cảm với cảm giác của mọi người. Người ta đánh giá cao ISFJ ở sự ân cần và quan tâm tới người khác, khả năng khai thác những điều tốt nhất của mọi người, xuất phát từ niềm tin vững chắc vào những điều tốt đẹp nhất.

ISFJ có một thế giới nội tâm phong phú mà những người xung quanh thường không hiểu được. Họ luôn thu thập thông tin về người khác cũng như những hoàn cảnh quan trọng đối với họ và cất giữ chúng. Sự lưu trữ thông tin quy mô lớn này thường chính xác một cách kinh ngạc, bởi ISFJ sở hữu một trí nhớ tối ưu đối với những việc quan trọng liên quan đến nguyên tắc sống của họ. Chẳng có gì lạ nếu ISFJ có thể nhớ được sự biểu lộ nét mặt đặc biệt nào đó một cách rất chi tiết nhiều năm sau khi sự kiện đó xảy ra, nếu điều đó gây ấn tượng mạnh cho ISFJ.

ISFJ có những ý tưởng rõ ràng trong việc hình dung sự việc sẽ như thế nào, và họ nỗ lực để đạt được nó. Họ thường trân trọng sự an toàn và lòng nhân hậu, tôn trọng phong tục tập quán và luật pháp. Họ tin vào những phương thức có sẵn bởi vì chúng luôn hoạt động hiệu quả, vậy nên họ không bao giờ áp dụng phương thức mới khi làm việc, trừ khi họ được giới thiệu một cách thức cơ bản khác với lời giải thích rõ ràng tại sao nó tốt hơn những phương pháp đã có.

ISFJ học qua thực hành tốt hơn việc đọc sách hoặc áp dụng lý thuyết. Vậy nên rất ít ISFJ làm việc trong những lĩnh vực đòi hỏi phân tích các khái niệm và giả thiết. Họ luôn đề cao ứng dụng thực tế. Những phương thức giáo dục truyền thống của những bậc học cao mà đòi hỏi rất nhiều khả năng tạo ra giả thiết và sự trừu tượng được coi là việc quá lặt vặt đối với họ. ISFJ có thể nghiên cứu tốt một công việc khi họ được chỉ dẫn cách áp dụng thực tiễn để giải quyết chúng. Một khi họ đã thành thạo trong việc áp dụng chúng vào thực tiễn, ISFJ sẽ miệt mài thực hiện công việc đó đến cùng. ISFJ là người rất đáng tin cậy.

Các ISFJ có cảm quan về không gian, cách tổ chức và khiếu thẩm mỹ cực kì phát triển. Vì vậy, họ luôn mong muốn căn nhà của họ tiện nghi và ngăn nắp. Họ là những nhà trang trí nội thất vô cùng giỏi. Với khả năng đặc biệt này, kết hợp với sự nhạy cảm đối với cảm xúc và mong muốn của người khác, ISFJ là những người rất giỏi trong việc tặng quà cho người khác, bởi vì họ có thể tìm ra những món quà thích hợp khiến cho người nhận thật sự cảm kích.

Hơn tất cả những kiểu tính cách MBTI khác, ISFJ có nhận thức cực kì rõ ràng về những cảm xúc nội tâm của họ, cũng như những cảm xúc của người khác. Họ thường không thể hiện cảm xúc mà giữ chúng ở trong lòng. Nếu đó là những cảm xúc tiêu cực, họ sẽ dồn nén chúng ở bên trong cho đến khi chúng thành những lời chỉ trích mạnh mẽ, không thể chối cãi đối với những cá nhân gây ra cho họ điều đó.

Vì ISFJ hiếm khi thể hiện cảm xúc của chính mình nên họ cũng không thường để người khác nhận ra họ biết người đó đang cảm thấy gì. Tuy vậy, họ sẽ nói ra nếu cảm thấy người đó đang cần được giúp đỡ, cũng như trong trường hợp họ thật sự có thể giúp đỡ người đó nhận thức được cảm xúc của chính mình.

ISFJ là người luôn đề cao trách nhiệm và bổn phận của mình. Họ chịu trách nhiệm một cách nghiêm túc, và tạo được sự tin tưởng. Vì vậy, mọi người thường hay nhờ cậy ISFJ. Khi được nhờ vả, họ khó có thể từ chối và việc này có thể sẽ trở thành gánh nặng của họTrong những trường hợp như vậy, ISFJ thường không để người khác biết mình đang gặp khó khăn, bởi họ không thích xung đột cũng như họ luôn đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu cá nhân. ISFJ cần học cách ý thức, đánh giá và thể hiện nhu cầu cá nhân nếu họ không muốn trở thành người quá tải vì công việc.

ISFJ cần những góp ý tích cực từ những người xung quanh. Nếu thiếu những góp ý tích cực, hoặc khi đối mặt với những lời phê bình, ISFJ sẽ nản lòng và họ có thể trở nên phiền muộn. Khi gặp chán nản hoặc căng thẳng trầm trọng, ISFJ bắt đầu tưởng tượng ra những điều tồi tệ sẽ xảy ra trong cuộc đời họ. Họ có cảm xúc mạnh mẽ về sự không thỏa mãn, và trở nên đoan chắc rằng “mọi thứ thật tồi tệ”, hoặc “tôi chẳng thể làm điều gì ra hồn cả”.

ISFJ là những người ấm áp, rộng lượng và đáng tin cậy. Họ có nhiều khả năng đặc biệt, được thể hiện qua sự nhạy cảm của họ với mọi người, và khả năng mạnh mẽ trong việc làm mọi việc trơn tru. Họ cần phải nhớ rằng không được quá chỉ trích bản thân, và cho phép bản thân nhận được sự ấm áp và yêu thương mà họ đã hào phóng cho đi đối với mọi người.

Các ISFJ nổi tiếng

St. Teresa of Avila (Teresa de Jesus)

Nữ hoàng Anh Elizabeth II

Nữ Hoàng Anh Mary I (“Bloody Mary”)

William Howard Taft – Tổng thống Mỹ

Jerry Seinfeld – Nghệ sĩ tấu hài nổi tiếng

Kristi Yamaguchi – Vận động viên trượt băng nghệ thuật nổi tiếng

Ed Bradley – Nhà báo nổi tiếng

ISFJ VÀ SỰ NGHIỆP

Cho dù bạn là một thanh niên đang tìm kiếm chỗ đứng trong xã hội, hay một người trưởng thành đang muốn biết xem mình đang đi đúng hướng hay không, thì điều quan trọng là bạn hiểu chính mình và những đặc điểm tính cách có khả năng tác động đến sự thành công hay thất bại của bạn trong những ngành nghề khác nhau. Và cũng không kém phần quan trọng là bạn hiểu được điều gì là thực sự có ý nghĩa đối với bạn. Khi được trang bị những hiểu biết về các điểm mạnh và điểm yếu của mình cùng với sự nhận thức về điều mà bạn thực sự coi trọng, thì bạn đang ở trong một tâm thế rất tốt để chọn cho mình một nghề nghiệp mà bạn cảm thấy xứng đáng.

Các ISFJ thường có một số nét đặc trưng sau:

  • Họ có một kho dữ liệu thông tin về người khác rất phong phú và đa dạng.
  • Rất tinh ý và ý thức được cảm giác cũng như những phản ứng của người khác.
  • Có trí nhớ tuyệt vời về những chi tiết mà họ cảm thấy quan trọng.
  • Rất đồng điệu với môi trường xung quanh – có cảm quan xuất sắc về không gian và cách tổ chức.
  • Có thể là chỗ dựa vững chắc, giúp đỡ mọi người hoàn thành nhiệm vụ của mình.
  • Làm việc chăm chỉ cho đến khi công việc đó hoàn thành.
  • Kiên định, thiết thực, thực tế – họ không thích làm việc với những giả thiết và những vấn đề trừu tượng.
  • Không thích làm những việc không thực tế đối với họ.
  • Đề cao một cuộc sống an toàn, theo truyền thống và thanh bình.
  • Luôn có xu hướng giúp đỡ: tập trung vào những nhu cầu của người khác.
  • Nhân hậu và chu đáo.
  • Luôn đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của mình.
  • Tiếp thu tốt nhất trong môi trường huấn luyện thực hành.
  • Thích tạo ra các kết cấu và trình tự.
  • Có trách nhiệm cao trong mọi việc.
  • Cực kì không thoải mái với xung đột và đối đầu.

Hai đặc điểm giúp ISFJ định hướng nghề nghiệp chính xác nhất chính là: 1. Họ thật sự có hứng thú và dễ dàng đồng điệu với cảm xúc của người khác, và 2. Họ thích sáng tạo những cấu trúc và thứ tự, và thật sự rất giỏi trong việc này. Một cách lý tưởng, ISFJ nên chọn những công việc mà họ có thể sử dụng khả năng quan sát con người đặc biệt của mình để xác định nhu cầu của người khác, và sử dụng khả năng tổ chức tuyệt vời để xây dựng những kế hoạch và môi trường để đạt được điều mà người khác muốn. Trí thông minh xuất chúng về không gian và trình tự cũng tạo cho họ những khả năng đặc biệt trong việc ứng dụng óc thẩm mỹ vào thực tế, như là trang trí nội thất và thiết kế thời trang.

Danh sách nghề nghiệp dưới đây được tạo ra dựa trên những cảm nhận về nghề nghiệp mà chúng tôi nghĩ rằng sẽ thích hợp cho một ISFJ. Mục đích của nó là cho bạn một sự tham khảo chứ không phải là một bản danh sách chi tiết. Không có bất cứ một cam kết nào chứng tỏ rằng những sự nghiệp dưới đây sẽ phù hợp với bạn, bên cạnh đó cũng có thể sự nghiệp thích hợp nhất đối với bạn cũng nằm trong danh sách này.

Những gợi ý nghề nghiệp phù hợp với ISFJ:

  • Trang trí nội thất
  • Nhà thiết kế
  • Y tá
  • Quản lý/ Quản lý hành chính
  • Trợ lí giám đốc
  • Chăm sóc trẻ em / Phát triển trẻ em
  • Công tác xã hội / Cố vấn
  • Tăng lữ / Người làm việc liên quan đến tôn giáo
  • Trưởng phòng
  • Người quản lí cửa hàng
  • Người quản lí nhà sách
  • Quản lí kinh tế gia đình

PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH CỦA ISFJ
10 NGUYÊN TẮC ĐỂ ĐẠT THÀNH CÔNG

1. Trau dồi ưu điểm của mình! Hãy để năng lực trong việc hòa hợp và cân bằng của bạn lan tỏa ra thế giới xung quanh, hãy cho thế giới này biết về tài năng của bạn. Hãy cho bản thân mình có được cơ hội để thiết kế, tổ chức và cân bằng lại những thứ có thể làm cho môi trường sống và làm việc của bạn tốt hơn cho bản thân cũng như cho mọi người xung quanh mình. Hãy tìm những công việc hoặc sở thích cho phép bản thân bạn có thể phát huy sức mạnh của mình.

2. Hãy đối mặt với khuyết điểm của mình! Hãy hiểu và chấp nhận rằng mọi thứ chẳng bao giờ suôn sẻ như bạn mong đợi. Nên nhớ rằng cảm giác của người khác đôi khi cũng rất quan trọng cho dù họ có đúng hay sai. Đối diện và giải quyết mối bất hòa hay sự khác biệt của người khác không có nghĩa là bạn phải thay đổi chính mình. Điều đó có nghĩa là bạn đã cho mình một cơ hội để phát triển bản thân. Bằng cách đối mặt với điểm yếu, bạn đã và đang tôn trọng bản thân cũng như tôn trọng những người xung quanh bạn.

3. Khám phá thế giới của người khác. Đừng để bản thân mắc bẫy trong những dòng suy nghĩ rằng bạn luôn biết điều gì tốt nhất cho người khác. Hãy mở cửa trái tim để hiểu rằng những gì họ thật sự cần là thứ chỉ có thể khám phá được qua những mối quan hệ, và công nhận rằng thế giới của họ có thể rất khác với thế giới của bạn.

4. Đừng quá vội vàng. Hãy thử để mọi việc được ổn định trước khi bạn phán xét về chúng. Cho phép người khác khám phá những điều tốt nhất đối với họ, trong khi bạn cũng có thể cảm nhận nó bằng quan điểm của mình.

5. Nhìn nhận thế giới một cách cẩn thận. Hãy nhớ rằng, mọi thứ thường không giống với vẻ bên ngoài của nó. Bạn cần phải nhìn sâu vào bên trong để khám phá ra bản chất của mọi việc, điều đáng quan tâm là bạn thường chắc chắn về nó ngay từ cái nhìn đầu tiên. Có nhiều lớp nghĩa và sự thật ẩn sau mọi thứ.

6. Hãy để người khác đảm nhận công việc. Khi để người khác giúp đỡ, không có nghĩa là bạn để mọi việc ngoài tầm kiểm soát của mình, mà là để công nhận nhu cầu cá nhân của họ trở thành một phần của cuộc sống của mình. Hãy nhớ rằng, sẽ tốt hơn nếu hướng dẫn ai đó nhìn nhận quan điểm của bạn hơn là tách họ ra khỏi những kế hoạch của mình.

7. Hãy chịu trách nhiệm đối với người khác. Luôn nhớ rằng họ cần hiểu bạn và những nhu cầu của bạn. Hãy thể hiện cảm xúc và những lý do, và để họ cùng đồng hành trong việc thực hiện những mục tiêu với bạn.

8. Đừng tự giam cầm bản thân. Sống một cuộc sống nhàn hạ mà không có thử thách có thể sẽ là sự tự hủy hoại bản thân. Hãy để mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày bạn có thể bước ra thế giới bên ngoài và cảm nhận được sự khác biệt về thế giới và con người ở đó. Điều này ắt hẳn sẽ mở rộng tầm mắt của bạn cũng như đem lại nhiều ý tưởng mới và cơ hội mới.

9. Tin tưởng và tìm kiếm những điều tốt đẹp nhất. Đừng chờ đợi người khác làm theo ý mình. Mỗi người đều có nhiều đức tính đáng để bạn học hỏi, cũng giống như mỗi tình huống xảy ra có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quý giá. Nếu tin vào điều này, bạn sẽ tự cho mình một cơ hội để trải nghiệm những điều tốt đẹp và phát triển bản thân.

10. Hãy hỏi ngay khi nghi ngờ. Đừng tự đặt mình trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu không chắc chắn về điều gì đó, hãy hỏi ý kiến người mà bạn tin tưởng.

ISFJ VÀ CÁC MỐI QUAN HỆ

ISFJ rất coi trọng những mối quan hệ cá nhân. Họ thường trao tặng yêu thương cho người khác và đặt nhu cầu của người khác lên trên mình. Họ thường gặp vấn đề trong việc trở nên quá thiếu thốn về cảm xúc cũng như che đậy cảm xúc của mình. Họ vô cùng tận tâm, và tìm kiếm những mối quan hệ lâu dài. ISFJ cực kì đáng tin cậy, và luôn nỗ lực hết mình để giữ mọi việc phát triển suôn sẻ. Họ thường khó từ chối giúp đỡ người khác và vì thế thường xem chuyện đó như là điều hiển nhiên mà họ phải làm.

Điểm mạnh của ISFJ:

  • Ấm áp, thân thiện, và gần gũi một cách tự nhiên.
  • Luôn giúp đỡ và muốn làm hài lòng người khác.
  • Lắng nghe tốt.
  • Sẽ cố gắng nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ và bổn phận của mình.
  • Có khả năng tổ chức tuyệt vời.
  • Thành thạo những công việc thực tế và những nhu cầu cơ bản hàng ngày.
  • Giỏi xoay xở tiền bạc (mặc dù vẫn hay dè dặt).
  • Luôn tận tâm, có xu hướng tìm kiếm những mối quan hệ lâu dài.

Điểm yếu của ISFJ:

  • Không chú ý đến nhu cầu cá nhân.
  • Gặp khó khăn trong việc rời bỏ môi trường thân quen của mình.
  • Cực kì ghét xung đột và chỉ trích.
  • Không thích thể hiện nhu cầu cá nhân, điều này có thể gây nên sự dồn nén cảm xúc bên trong.
  • Khó khăn khi rời bỏ những mối quan hệ không tốt.
  • Gặp khó khăn trong việc tiếp tục cuộc sống bình thường sau một mối quan hệ đổ vỡ.

Bonus: Tóm Tắt Xu Hướng Tính Cách Theo Tên Gọi Từ Chữ Cái Của Nhóm:

ISFJ: Hướng nội – Giác quan – Tình cảm – Nguyên tắc

I –  Bạn thuộc nhóm tính cách Hướng nội:

Tính hướng nội là bản chất của bạn. Thái độ của bạn trong cuộc sống (vào đời và hướng nghiệp) là trầm lắng thể hiện tâm tính của mình theo chiều sâu, cũng lặng thầm làm việc trong tĩnh khuất để cống hiến. Chủ đích của bạn không chuộng bề nổi mà thích bề sâu. Bạn thích sự chu đáo và thâm tình trong quan hệ và trong công việc. Xu hướng của bạn là không thích phô trương, nhất là không màng phô trương danh nghĩa và đồng tiền (dù bạn có). Nếu giàu có, bạn cũng muốn ẩn mình giúp đỡ người khốn khó mà không kể công và không xưng danh. Mặt khác, do được rèn luyện, lại có sẵn bản tính trầm tư và sâu lắng, nên bạn thường mạnh về khả năng tưởng tượng phong phú và tư duy sáng tạo trong cách hành xử và hành nghề.

Tuy nhiên, mặt yếu của bạn là thiếu quảng giao, thiếu sự hòa nhập với đám đông, thiếu khả năng tự thể hiện khi cần chứng tỏ. Do đó, bạn thường vụng về khi nói về mình hay bộc lộ suy nghĩ. Trong giao tiếp, bạn thường ẩn mình ở thế thủ, ngại cởi mở tâm hồn. Bạn rất cần mẫn khi làm việc với chính mình, chỉ riêng mình, nhưng hơi khó làm việc khi cần hợp tác với số đông trong những dự án chung với tập thể. Dù vậy cũng không đến nỗi nào, vì đó chỉ là những thiếu sót nhỏ, dễ khắc phục nếu bạn mạnh dạn hơn khi hòa đồng, khi giao lưu và biết chủ động chia sẻ trong công việc.

Một số ngành nghề phù hợp với tính cách hướng nội: Nghiên cứu khoa học (bao gồm cả tự nhiên và cả xã hội), các ngành nghề kỹ thuật, các nghề thợ, thủ công mỹ nghệ…

Lưu ý: Nếu kết quả chỉ số Hướng nội và Hướng ngoại xấp xỉ bằng nhau thì về cơ bản, bạn có một tính cách trung hòa giữa hướng ngoại và hướng nội. Điều này cũng tốt, có khi rất tốt cho nhiều lĩnh vực trong quan hệ và việc làm.

S – Cách thức tìm hiểu và nhận thức thế giới của bạn thiên về Giác quan:

Bạn là người rất thực tế, không chỉ giàu óc thực tế mà chủ yếu là lấy thực tế làm phương châm sống của mình. Đây là một điểm mạnh trong tính cách của bạn, bạn không thích sự mơ hồ và huyền ảo, càng không thích những lý thuyết xa vời hay sự hứa hẹn viễn vông. Với bạn, chỉ có thực tiễn sống động là câu trả lời đáng tin nhất. Bởi thế, bạn thường lao vào làm việc hơn đọc sách, thích lăn lộn ở hiện trường hơn ngồi một chỗ để nghiên cứu. Nếu phải nghiên cứu khảo sát, bạn thiên về định lượng hơn định tính khi kiểm định một vấn đề.

Tuy nhiên, bạn chưa thấy rõ mình đang non yếu về năng lực tư duy chiều sâu, nhất là về ý thức nhìn xa trông rộng. Tuy khá mạnh về chiến thuật xử lý trong công việc, nhưng bạn thiếu hẳn một tầm nhìn chiến lược. Bởi thế, bạn dễ dành được những cái lợi trước mắt, nhưng bị tổn thất những lợi ích lâu dài, mà chính cái lợi lâu dài mới là cơ bản. Mặt khác, do tầm nhìn hạn hẹp và thiếu ý thức chiều sâu nên bạn khó thấy được những bài học sai lầm của quá khứ hoặc những định hướng cao đẹp của tương lai. Điều đó khiến bạn không có một căn bản để lấy đà khi cần tiến xa. Hơn thế, bạn thiếu luôn cả óc tưởng tượng sáng tạo khi cần phải hoạch định công việc hay xử lý một vấn đề mang tầm vĩ mô.

Một số ngành nghề phù hợp với người nhận thức thiên về giác quan: Các ngành nghề kỹ thuật, các nghề thợ, nhân viên văn phòng…

Lưu ý: Nếu kết quả các chỉ số trực giác và giác quan của bạn xấp xỉ bằng nhau thì về cơ bản, bạn có một tính cách trung hòa giữa trực giác và giác quan. Điều này cũng tương đối tốt ở mức độ bạn dễ tạo được sự cân bằng trong nhận thức, tránh chủ quan hoặc cực đoan khi đánh giá hay kiểm định một vấn đề.

F – Tình cảm thường ảnh hưởng đến các quyết định và lựa chọn của bạn:

Bạn sống thiên về tình cảm, giàu lòng vị tha, nhiều cảm xúc hướng thiện. Tâm hồn của bạn khá rộng mở về phía tha nhân và ngoại cảnh, khiến bạn dễ cảm thông với nhiều nghịch cảnh và cả sự trái ngang trong nhân tình thế thái. Trong nhiều trường hợp xử lý liên quan đến người và việc, bạn nghiêng về các giải pháp tình cảm nhiều hơn, giữ gìn mối quan hệ trước sau được tốt hơn. Sự đôn hậu là một điểm son trong tâm hồn bạn. Bạn dễ dàng chấp nhận khó khăn về mình, nhường sẻ thuận lợi cho người, kể cả người mình không ưa. Nhờ vậy, bạn được nhiều người ưa và thường giữ được lòng thanh thản, không mấy liên lụy đến những rắc rối linh tinh. Thế mạnh của bạn là giữ được tâm bình.

Tuy vậy, chính trong thế mạnh đó cũng thể hiện sự hẫng hụt của bạn mỗi khi bạn đi quá đà vì tình thương của bạn đã đặt không đúng chỗ hoặc đầu tư quá liều lượng. Sống tình cảm là rất quý, nhưng quá nghiêng về tình cảm lại là một sai lầm cực đoan và do đó dễ thất bại trong đối nhân xử thế và điều hành công việc. Nếu không giữ được thăng bằng giữa tình cảm và lý trí, bạn sẽ gặp tình trạng được người mà hỏng việc. Mà cái gọi là “được người” đó cũng chỉ tạm thời, chưa hẳn “được” một cách tích cực, vì họ chỉ thấy sự thiên vị mà không quán triệt nguyên tắc, chỉ thấy đạt tình mà không thấu lý.

Một số ngành nghề phù hợp với người sống thiên về tình cảm: Công tác xã hội, dịch vụ công, nghệ thuật, y tế sức khỏe…

Lưu ý: Nếu chỉ số Lý trí và Tình cảm của bạn xấp xỉ bằng nhau thì về cơ bản, bạn có một tính cách cân bằng giữa tình và lý, cương và nhu, kiên quyết và ôn hòa… Đương nhiên, điều này rất tốt trong nhiều trường hợp nhưng không phải tốt với mọi trường hợp. Vấn đề là phải cân nhắc, lựa chọn kỹ khi nào phải đặt lý lên trên, khi nào tình ở trên và khi nào phải dung hòa.

J – Nguyên tắc là phong cách sống và làm việc của bạn:

Tính nguyên tắc bất di bất dịch thường là “hòn đá tảng” trong thái độ sống và phong cách sống của bạn. Bạn lấy nguyên tắc và mọi quy phạm làm tiêu chí hàng đầu để lựa chọn cách ứng xử trước mọi tình huống, mọi típ người và mọi công việc. Cho nên, với nhiều trường hợp, bạn đã rất thành công vì được việc. Trong cuộc sống và sự nghiệp, một tính cách biết tôn trọng nguyên tắc là một tính cách mạnh, thể hiện một bản lĩnh vững vàng trước nhiều thử thách cam go. Nhờ tính cách này, bạn sẵn sàng nói không với cái xấu, hơn thế, bạn có sức đề kháng với sự tấn công của môi trường xấu và nhiều cạm bẫy. Cũng nhờ đó, bạn đã tự vượt lên chính mình, tự chiến thắng mình trong khi nhiều người khác không được vậy.

Tuy thế, nếu quá đà và nhất là nếu không đủ tỉnh táo, bạn dễ trở nên cực đoan, xơ cứng với cách tuân thủ máy móc, ứng xử máy móc, giải quyết máy móc theo những khuôn mẫu máy móc của mọi nguyên tắc vốn dĩ nó mang tính chất lạnh lùng! Nếu nguyên tắc là khuôn vàng thước ngọc thì cũng có những loại thước đo ngoài khuôn vàng đó ít lạnh lùng hơn, có tính “ấm êm và mềm mại” hơn. Nghĩa là, bên cạnh những nguyên tắc xơ cứng (có khi rất chuẩn) của sự đời, vẫn có những cách nghĩ và cách làm uyển chuyển hơn, dịu dàng hơn mà vẫn bảo tồn được cái hay của nhiều phía. Đó là tính nhân văn khi vận dụng nguyên tắc. Trong khoa học về sáng tạo, người ta gọi đó là tùy cơ ứng biến. Trong tâm lý học ứng dụng, gọi đó là sự linh hoạt.

Một số ngành nghề phù hợp với phong cách sống nguyên tắc: Nghiên cứu khoa học, các ngành kỹ thuật, quân sự, an ninh, quản lý/ kinh tế/ tài chính…

Lưu ý : Nếu chỉ số Nguyên tắc và Linh hoạt của bạn xấp xỉ bằng nhau, thì về cơ bản, bạn có một khả năng điều chỉnh để đạt được sự cân bằng giữa tính linh hoạt và tính nguyên tắc. Theo đó, bạn biết tùy cơ ứng biến để khi nào thì phải thượng tôn nguyên tắc, khi nào lại cần đến sự linh hoạt, và khi nào phải vận dụng cả hai. Thông thường trong công việc, phải vận dụng kết hợp cả tính nguyên tắc và tính linh hoạt là tốt hơn cả. 

Bí quyết giao tiếp với người ISFJ:

– Nói chậm rãi và rõ ràng

– Tôn trọng quyền lợi riêng tư của họ

– Hãy dứt khoát và đưa ra cụ thể những gì cần làm

– Xem trọng sự tận tâm của họ, làm việc mau lẹ và suy nghĩ chín chắn